Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu áp dụng VietGAP trong nuôi tôm chân trắng thâm canh tại Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình”.

Ngày 17/12/2014 tại Viện An toàn thực phẩm, thuộc Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert, số 130 Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng khoa học nghiệm thu kết quả đề tài “Nghiên cứu áp dụng VietGAP trong nuôi tôm chân trắng thâm canh tại Doanh nghiệp Tân Vân, huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình nhằm đạt năng suất, sản lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm”. Hội đồng gồm 7 người là các Tiến sỹ, Thạc sỹ, có hiểu biết về VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, do Tiến sỹ Như Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu áp dụng VietGAP trong nuôi tôm chân trắng thâm canh tại Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình”.
Sau khi nghe ông Nguyễn Tử Cương, Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả triển khai đề tài tại Doanh nghiệp Tân Vân, từ tháng 4-12/2014, trên diện tích 7 ha (trong đó 4 ha mặt nước nuôi tôm) theo phương pháp khép kín; nước thải từ ao nuôi được xử lý sinh học và tái sử dụng. Hội đồng đã thảo luận và  nhất trí kết luận như sau:

1. Ghi nhận đề tài đã thực hiện tất cả những nội dung nêu trong thuyết minh đề tài và đã đạt được mục tiêu đề ra, cụ thể như sau:
1.1. Đã nhận diện chính xác các loại mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch, an toàn môi trường và an sinh xã hội của cơ sở nuôi tôm Tân Vân và đưa ra biện pháp kiểm soát ngăn chặn các mối nguy chính xác và hiệu quả
1.2. Đã xử lý và kiểm soát tốt lượng nước cấp vào ao nuôi. Nước thải từ ao nuôi, không thải ra môi trường mà được xử lý sinh học để sử dụng lại. Đồng thời đã kiểm soát tốt mối nguy bệnh dịch lây nhiễm dọc từ bố mẹ sang con, mối nguy lây nhiễm ngang từ đơn nguyên này sang đơn nguyên khác. Do vậy năm 2014 huyện Kim Sơn có bệnh virus đốm trắng, nhưng khu nuôi của Tân Vân không bị nhiễm bệnh.
1.3. Đã kiểm soát tốt chế độ cho ăn, không để dư thừa thức ăn, nên đã giảm được hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) từ 1,2 xuống 1,1.
1.4. Đã sử dụng chế phẩm sinh học thay cho việc sử dụng hóa chất, kết hợp với thường xuyên đo kiểm môi trường và kịp thời xử lý khi các giá trị bị vượt, nên tôm khỏe mạnh, lớn nhanh.
1.5. Kết quả là đến cuối tháng 11/2014 đã thu được 15.350 kg tôm trên 4ha nuôi 2 vụ (năm 2013 thu được 4.200 kg/4 ha/1vụ); Tiền lãi thu được 1.320 triệu đồng (năm 2013 thu được 151 triệu đồng)
1.6. Thành công của đề tài còn được thể hiện qua việc các hộ nuôi lân cận đến tham dự các khóa đào tạo, thường xuyên sang quan sát để học hỏi cách làm về áp dụng cho ao nuôi nhà mình. Tháng 10/2014 đài truyển hình VTV2 đã đến quay băng, ghi  hình kết quả áp dụng VietGAP của cơ sở Tân Vân và phát sóng trên chương trình của VTV2.

2. Hội đồng nhất trí với kiến nghị của cơ quan  chủ trì đề tài về việc đề nghị Viện An toàn thực phẩm – Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định Vinacert tiếp tục cấp kinh phí để triển khai VietGAP tại Công ty Tân Vân thêm 1 năm nữa, nhằm giúp cơ sở áp dụng thuần thục VietGAP và phổ biến phát triển rộng rãi ra toàn bộ vùng nuôi huyện Kim Sơn, Ninh Bình.

3. Hội đồng đánh giá cao Viện An toàn thực phẩm – Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định Vinacert đã tài trợ tài chính cho đề tài, góp phần thiết thực vào việc phát triển bền vững ngành thủy sản và hỗ trợ cho bà con nông, ngư dân làm ăn hiệu quả, môi trường bên ngoài khu vực nuôi tôm được bảo vệ.